CÁCH CÀ PHÊ PHA PHIN TRUYỀN THỐNG

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về cách pha cà phê bằng phin truyền thống, cũng như các yếu tố mang lại 1 ly cà phê thơm ngon đậm đà.

Khi mua một sản phẩm cà phê bột, chắc hẳn bạn đã quen thuộc với các bước hướng dẫn pha cà phê, để Robanme nhắc lại cho bạn nhé!

Bước 1: Tráng phin qua nước nóng.

Bước 2: Múc 25 gram cà phê cho vào phin rồi đặt lên cốc.

Bước 3: Rót chầm chậm 30ml nước vừa sôi lên khắp bề mặt cà phê.

Bước 4: Sau 2 – 3 phút, khi bột cà phê đã hấp thụ hết nước và nở đều, bạn tiến hành nén nắp gài, châm thêm 50ml nước sôi rồi đậy nắp và chờ đợi.

Okay! Vậy là bạn đã nắm được các bước cơ bản để pha cà phê phin. Dưới đây, Robanme sẽ phân tích một số yếu tố giúp bạn hiểu thêm và giúp ly cà phê của bạn ngon hơn nhé!

  1. Nguyên liệu pha cà phê

Tất nhiên ở mọi món ăn, đồ uống, nguyên liệu chất lượng sẽ giúp bạn thành công tới 60-70% rồi. Nguyên liệu để pha cà phê – tất nhiên là cà phê!

Ở đây Robanme sẽ bỏ qua việc bàn về loại cà phê, vì đây là gu mỗi người. Tuy nhiên tất cả các loại cà phê nếu muốn pha phin ngon đều cần các yếu tố cơ bản sau:

  • Cà phê đã được degas – tức là bảo ôn sau khi rang tầm 5-7 ngày. Lúc này, các hợp chất trong hạt cà phê đã ổn định, không còn vị gắt, ngái, hương thơm đạt tiêu chuẩn.
  • Cà phê không bị ẩm và mất mùi. Thực tế, cà phê sau khi rang xay có độ ẩm rất thấp ( Dưới 5%) do đó cà phê rất dễ hút ẩm, khiến cho ly cà phê của bạn không có mùi. Vì vậy, việc bảo quản cà phê là rất quan trọng, bạn có thể bảo quản trong lọ thuỷ tinh đậy kín nắp, hoặc các loại hộp đựng cà phê chuyên dụng.
  • Độ mịn của bột cà phê sau khi xay phải phù hợp. Đối với pha phin truyền thống, bột cà phê sau khi xay phải ở trạng thái không mịn quá, không thô quá. Bởi vì nếu mịn quá sẽ khiến bột cà phê rớt xuống phin lọc, hơn nữa khi châm nước, bột mịn sẽ làm tắc và không chiết xuất được cà phê. Ngược lại, nếu bột thô quá sẽ làm cà phê loãng, và cũng không chiết xuất được hết cà phê. Vì vậy, Robanme khuyên bạn nên mua sản phẩm cà phê xay sẵn – trừ khi bạn có máy xay chuyên dụng cho cà phê. Dùng máy xay thông thường sẽ không căn chỉnh được độ mịn phù hợp, do đó hãy để nhà cung cấp giúp bạn làm điều này!
  • Bột cà phê với độ mịn thích hợp dùng cho pha phin
  • Một nguyên liệu quan trọng cần được nhắc đến: CÁI PHIN! Ở Robanme, chúng tôi luôn khuyên bạn nên dùng phin nhôm. Một cái phin nhôm bình thường vẫn mang lại ly cà phê ngon hơn so với phin inox! Tại sao? Phin làm từ nhôm ít hấp thụ nhiệt nên sẽ giữ phần nhiệt độ của nước để có thể “nấu” chín cà phê, do đó cà phê nở đều hơn. Ngoài ra, lỗ trên đáy phin nhôm phân bổ đều sẽ giúp nước cà phê xuống đều và ổn định hơn, tăng chất lượng của cà phê.
  1. Nhiệt độ nước pha

Nguyên liệu đã xong, bây giờ đến nước pha. Chắc có bạn sẽ bảo “Úi dào, tất nhiên phải pha bằng nước sôi rồi, có gì đâu mà phải bàn?” Ồ không nhé, cà phê nên pha bằng nước Nóng – không sôi!

  • Cụ thể nóng thế nào? Theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới thì nhiệt độ lý tưởng nhất dùng để chiết xuất cà phê, giúp cân bằng mùi thơm có trong cà phê, độ chua, vị đắng và ngọt là từ 90 – 96 độ C. Nếu bạn dùng nước có nhiệt độ quá cao khi pha cà phê (lớn hơn 96 độ C) sẽ tạo ra hiện tượng một số hợp chất như dầu, chất làm đắng có sẵn trong cà phê bị hòa tan mạnh. Lúc này tách cà phê của bạn sẽ trở nên đắng gắt, có vị cháy, khét.

Vậy nên sau khi đọc bài này, hãy thử để nước nguội bớt một chút trước khi châm vào cà phê, hoặc bạn có thể dùng nhiệt kế/máy pha nước nóng có set nhiệt độ để pha cà phê nhé!

  1. Vì sao lại đợi cà phê nở đều?

Đây là bước quan trọng, hay còn gọi là “ủ cà”, nhờ nước nóng giúp cho bột cà phê được chín dần và nở ra. Nôm na là khi các hạt bột cà phê được nén đủ chặt và nở đều, thì khi đổ nước sôi vào, toàn bộ bột sẽ được “tắm” đủ nước. Lúc này giọt cà phê khi nhỏ giọt sẽ chảy chậm và đậm đặc hơn.

Châm nước và đợi cà phê nở đều
  1. Câu chuyện gây tranh cãi – Cái nắp gài.

Robanme tạm chia tín đồ cà phê pha phin ra làm hai trường phái: 1 là không dùng nắp gài, 2 là dùng với niềm tin mãnh liệt rằng nén càng chặt nắp gài thì cà phê ra càng đặc. Không tự nhiên cái phin lại sinh ra cái nắp gà

i, vậy thì dùng thế nào cho đúng?

  • Robanme chia sẻ với bạn cách dùng này nhé: sau khi cho cà phê bột vào phin, ta hãy dùng cái nắp gài ấy để dàn phẳng bề mặt bột, đồng thời ấn nhẹ để bột cà phê “chắc lại”, làm bớt các khoảng trống giữa bột cà phê. Sau đó hãy lấy nắp gài ra và thực hiện bước ủ cà.
  • Nếu bạn muốn dùng nắp gài để nén chặt cà phê, hãy làm điều này sau khi cà đã được ủ và nở đều. Nếu bước ủ cà bạn nén nắp gài quá chặt, cà phê sẽ không nở ra đều được, nước không thấm hết cà phê, dẫn đến lúc châm nước pha, cà phê sẽ không chảy.

Tóm lại việc dùng nắp gài hay không, cũng như gu cà phê của mỗi người vậy. Bạn có thể dùng, cũng có thể bỏ qua. Điều cuối cùng hướng đến không phải là “trường phái” nào đúng, mà là chất lượng ly cà phê pha ra có hợp gu bạn hay không, đúng không nào?

Đọc tới đây, có lẽ bạn đã nắm được một vài bí quyết pha cà phê thành công. Hy vọng rằng, những chia sẻ mà Robanme nêu ra trên đây có thể giúp ích cho bạn trong việc tự pha cho mình một ly cà phê phin truyền thống thơm ngon đậm đà. Nên nhớ rằng, mọi quy tắc và lý thuyết chỉ mang tính tương đối, quan trọng là sau những lần thử, bạn sẽ rút ra được bí quyết cho riêng mình, cũng giống như gu cà phê riêng bạn – mỗi người là độc nhất và không giống ai cả! Hãy để lại comment chia sẻ trải nghiệm của bạn với Robanme nhé!

Mời bạn đánh giá
[Đánh giá: 0 Điểm số: 0 sao]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *